Tin tức

AN TOÀN LAO ĐỘNG NGÀNH XÂY DỰNG: CHỈ CÓ LỢI CHO DOANH NGHIỆP

Những năm gần đây, ngành xây dựng không chỉ là một trong những ngành tạo ra nhiều việc làm (với hơn 3,3 triệu người lao động) mà còn là lĩnh vực để xảy ra các nguy cơ mất an toàn lao động (ATLĐ) và các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) chết người nhiều nhất. Vì thế, thay đổi hành vi của người sử dụng lao động trong công tác ATVSLĐ tại các công trình xây dựng và doanh nghiệp xây dựng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

 Hàng trăm sai phạm về ATLĐ trong các công trình

Kết quả một đợt thanh tra liên ngành về việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATLĐ, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội tại 16 nhà thầu đang thi công các công trình xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội (diễn ra từ ngày 5.5 – 2.6.2016) đã phát hiện thấy các nhà thầu có nhiều sai phạm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực này.

Cụ thể, đoàn thanh tra đã phát hiện 147 sai phạm tại các DN. Trong đó, có 9 doanh nghiệp chưa thực hiện Báo cáo định kỳ 6 tháng và hằng năm về tình hình TNLĐ với cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương; 7 DN chưa xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động theo quy định; 4 DN chưa xây dựng kế hoạch ATVSLĐ và cải thiện điều kiện lao động hằng năm; 10 DN chưa đo, kiểm tra môi trường lao động tại nơi làm việc theo quy định; 5 DN chưa đậy kín những giếng, hầm, hố trên mặt bằng và những lỗ trống trên các sàn tầng hoặc rào ngăn chắc chắn; chưa phân công cụ thể người ra tín hiệu cẩu tháp...

Đoàn Thanh tra cũng phát hiện 6 DN chậm nộp tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT đối với cơ quan bảo hiểm xã hội. Đoàn thanh tra đã lập 3 biên bản vi phạm hành chính về lao động đối với 3 DN, tham mưu trình Chánh thanh tra ban hành 3 Quyết định Xử phạt hành chính về lao động với tổng số tiền 44 triệu đồng.

Căn cứ Báo cáo Kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra và Biên bản Thanh tra tại các công trình, Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH đã ban hành kết luận thanh tra đối với các DN được thanh tra.

Theo đó, Chánh Thanh tra yêu cầu Tổng Giám đốc/Giám đốc của 16 doanh nghiệp và các nhà thầu phụ khắc phục 147 sai phạm đã được phát hiện qua thanh tra, đồng thời báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị về Thanh tra Bộ LĐTBXH và Thanh tra Sở LĐTBXH TP Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH, đợt kiểm tra 16 nhà thầu đang thi công các công trình xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội chỉ là một phần trong chiến dịch thanh tra lao động trong ngành xây dựng năm 2016 (kéo dài từ tháng 3 đến tháng 11.2016).

Bởi chiến dịch này sẽ tập trung thanh tra ít nhất là 630 đơn vị trên toàn quốc với các nội dung thanh tra trọng điểm bao gồm: Thời giờ làm việc, làm thêm giờ; tiền lương; xây dựng nội quy và đào tạo về an toàn vệ sinh lao động; phương tiện bảo vệ cá nhân; tổ chức mặt bằng; sử dụng xe, máy, giàn giáo, giá đỡ, điện và thiết bị điện; công tác cốp pha, cốt thép và bê tông...

Tăng cường nhận thức cho chủ sử dụng lao động

Theo các chuyên gia lao động phân tích, nguyên nhân của tình trạng mất ATLĐ trong ngành xây dựng nói riêng và trong các lĩnh vực khác nói chung phần lớn do chủ sử dụng lao động là các doanh nghiệp, nhà thầu chưa thực sự nhận thức đúng và quan tâm đến công tác giám sát, huấn luyện, trang bị kiến thức về ATLĐ cho người lao động trong bối cảnh phần lớn lao động trong ngành xây dựng là lao động phổ thông, trình độ văn hóa thấp, ý thức kỷ luật lao động kém và ít được đào tạo bài bản, không được trang bị kiến thức cũng như những kỹ năng cơ bản khi làm việc trong môi trường nguy hiểm.

Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước về an toàn lao động tại các công trình còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Bên cạnh đó, vai trò giám sát công trình, trong đó có giám sát về công tác ATLĐ của tư vấn giám sát, nhà thầu lại chưa làm hết trách nhiệm của mình nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân NLĐ và chính DN.

Thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) về nguyên nhân số vụ TNLĐ chết người năm qua cho thấy, nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm tới 52,8%.

Trong đó, do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 25,2% tổng số vụ; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 14,3% tổng số vụ; người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động chiếm 9,7% tổng số vụ và do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 2,6% tổng số vụ, do người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động chiếm 1%...

Chính vì thế, theo ông Nguyễn Tiến Tùng, mục tiêu của chương trình thanh tra lao động ngành xây dựng năm 2016 là nhằm nâng cao nhận thức về tuân thủ pháp luật về ATLĐ cho người sử dụng lao động, người lao động và toàn xã hội; thay đổi hành vi của người sử dụng lao động trong công tác ATVSLĐ tại các công trình xây dựng và doanh nghiệp xây dựng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Vì doanh nghiệp thông qua việc điều chỉnh hoạt động tuân thủ pháp luật lao động sẽ tương thích hơn với các chuẩn mực quốc tế và đáp ứng các điều kiện hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Ngoài ra, “Tôi cho rằng, việc tuân thủ pháp luật lao động và thực hiện trách nhiệm xã hội còn là một trong những cấu thành của nền quản trị tiên tiến góp phần sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần xây dựng hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp ngành xây dựng sau này” - ông Tùng cho hay.

Được biết, ngoài việc tổ chức thanh tra tại các doanh nghiệp xây dựng, trong năm 2016 này, cơ quan chức năng cũng sẽ triển khai luật An toàn vệ sinh lao động đến với các doanh nghiệp và cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm ATVSLĐ gây TNLĐ nghiêm trọng.

Cùng với đó, ngành LĐTBXH cũng tiến hành xây dựng và triển khai các mô hình quản lý an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Đảm bảo tại các doanh nghiệp có người có chuyên môn phù hợp hoặc được bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động.

Tại các doanh nghiệp có quy mô từ 300 lao động trở lên phải có biên chế cán bộ chuyên trách làm công tác bảo hộ lao động tương ứng và phù hợp với số lượng lao động và mức độ nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.